Nha Trang đang bước vào mùa nắng nóng, nhiệt độ tăng cao trong nhiều ngày qua. Trung bình nhiệt độ ngoài trời hơn 34 độ C, những công nhân ngành điện vẫn đang miệt mài làm việc bất chấp hơi nóng hầm hập, bỏng rát.
Theo chân các anh một ngày nắng tháng Năm, tôi mới cảm nhận được nỗi vất vả của người thợ điện áo cam. Mới 6 giờ sáng, nắng đã cao hơn đỉnh đầu. Cùng với xe gầu, xe chở dây cáp, giỏ đồ nghề, đoàn công nhân hơn 10 người hướng thẳng về thôn Thủy Tú - xã Vĩnh Thái ở vùng ven thành phố Nha Trang với nhiệm vụ tăng cường dây hạ áp, chống quá tải điện trong mùa nắng nóng.
Chọn góc mát dựng xe bảo quản giỏ đồ nghề
Vừa đến nơi, sau khi lựa một góc mát để dựng xe máy, các anh đã khẩn trương mang bao tay, trang bị dụng cụ bảo hộ an toàn lao động rồi vào ngay vị trí đã được phân công. Một anh ngồi trên xe gầu, một anh nữa đang ra dây điện bằng mễ cáp (bôbin), nhóm anh em còn lại chia nhau vị trí đứng phù hợp để căng sức kéo dây.
Anh công nhân rướn người ra cáp
Chân bám vững mặt đất, tay nắm chặt bôbin, anh Lê Đức Sơn (công nhân Đội Quản lý vận hành đường dây lưới điện Điện lực Trung tâm Nha Trang) rướn người, dồn sức đẩy mạnh bánh xe gỗ, làm quay bôbin để ra dây cáp điện. Phía trên cột điện, anh công nhân Đức Hải đứng trên xe gầu tập trung thao tác tiếp địa lưu động, đảm bảo an toàn hệ thống điện trước khi thi công lưới. Nhóm dưới đất, năm sáu anh em xếp thành hàng, đeo sẵn găng tay vải chống trượt, gồng mình kéo dây điện đi xa.
Gồng người kéo dây

Bình trà đá dặt sẵn
Nhiệt độ dần tăng cao, mồ hôi các anh đã bắt đầu lăn dài trên má, ướt đẫm sau lưng và làm bạc màu chiếc áo cam người thợ điện. Cách chỗ làm việc không xa, một bình trà đá đã được đặt sẵn để các anh tiện uống nước mỗi khi thấy khát. Mặc bụi bặm, nắng gió, những người thợ vẫn tập trung cao độ vào công việc, cùng nhau miệt mài thao tác nhằm sớm đóng điện lại phục vụ bà con.
Chiếc áo bạc màu lắm lem nắng gió của người thợ điện
Chứng kiến những vất vả, nhọc nhằn của người thợ đường dây qua với những đôi tay đầy vết chai sần, chiếc áo cam đẫm mồ hôi bám đầy vết đen của sợi cáp, tôi thật sự xúc động và cảm nhận rằng: Ngoài trách nhiệm, các anh còn làm việc bằng lòng yêu nghề, bằng nhiệt huyết người thợ để có thể cung cấp nguồn điện đến với nhân dân một cách liên tục, an toàn và ổn định.
Ai đó đã từng nói “Có đi mới hiểu, có thấy mới cảm thông”. Đối với tôi, một ngày theo chân các anh là một kỉ niệm rất đáng nhớ. Hình ảnh những người thợ điện đang rướn mình kéo cáp giữa thời tiết khắc nghiệt đã giúp tôi càng thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn của nghề điện. Dẫu biết rằng, ngành nghề nào cũng có nỗi vất vả riêng nhưng nghề điện lại vừa vất vả vừa tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn và bệnh nghề nghiệp. Chính vì vậy, người thợ điện được ví như những người lính giữa thời bình. Không ngại khó, ngại khổ, không nề hà nguy hiểm, các anh vẫn ngày đêm đóng góp công sức của mình để giữ cho nguồn điện luôn được thắp sáng trên mọi miền của Tổ quốc thân yêu.
Hồng Tú