Hình ảnh cụ Nguyễn Hai, 87 tuổi, thị trấn Diên Khánh - tỉnh Khánh Hòa chống gậy ra xem “mấy ông nhà đèn” thi công dựng trụ, nâng cấp, cải tạo đường dây điện gây xôn xao xóm nhỏ. Bởi nhiều năm nay, cụ ít khi ra khỏi nhà mà chỉ quanh quẩn với “muôn chuyện trời đất” qua màn hình tivi. Cụ nhẩm tính: lần này, trụ điện đã về gần nhà, cụ sẽ lắp đặt công tơ điện riêng, không dùng công tơ chung với tổ hợp nữa để có thể thoải mái dùng điện khi trong nhà có thêm cái tủ lạnh và cái máy giặt nhỏ mới mua.

Công nhân ngành điện nỗ lực thi công, cải tạo lưới cấp điện nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Mặc dù đã hơn tám mươi nhưng trí nhớ cụ Nguyễn Hai vẫn còn khá minh mẫn. Mấy hôm nay “xóm làm bún” trở nên nhộn nhịp hơn khi có nhóm đông anh em thợ điện thi công kéo dây, dựng trụ. Vốn bản tính vui vẻ, giờ có thêm niềm vui sắp có trụ điện gần nhà, cụ lại thích kể chuyện huyên thuyên. Đã bao năm gắn bó với mảnh đất này, cụ đã chứng kiến những đổi thay của hệ thống điện lưới địa phương.
Cụ vẫn còn nhớ rất rõ, 4 năm sau khi giải phóng, nơi này có điện. Cả xóm ai nấy đều phấn khởi vui như ngày hội làng. Đặc biệt, những nhà làm bún tươi – nghề truyền thống lâu đời ở vùng quê này là vui hơn hết bởi điện sẽ giúp họ giảm bớt sức lao động và sản xuất được số lượng nhiều hơn.

Nhờ cải tạo lưới điện 3 pha, các hộ sản xuất bún tươi ở Thị trấn Diên Khánh – Khánh Hòa đã đỡ vất vả hơn, thành phẩm làm ra số lượng nhiều hơn
Năm 1996, hệ thống lưới điện vùng này được nâng cấp, cải tạo, “cấy” thêm rất nhiều trạm điện nhờvào chương trình“điện khí hóa nông thôn” của ngành điện hay nói một cách nôm na là chương trình phủ điện rộng khắp ở khu vực nông thôn. Không còn dùng bình ắc quy mỗi tối, cả xóm đã thoát cảnh “ăn đèn, ngủ điện”, bọn nhỏ hồ hởi vì có điện học bài và người lớn thì được nghe, được nhìn thấy muôn chuyện trong nước, ngoài nước qua màn hình tivi. Hơn 10 năm qua, điện đã sáng đến từng thôn xóm, từng lối nhỏ vào làng và sáng bừng trong từng mái nhà. Lưới điện đã được cải tạo nâng cấp lên đáng kể cả về số lượng và chất lượng nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ngẩng lên nhìn trụ điện gần nhà vừa mới được nhóm công nhân dựng xong, cụ Hai cười nói: Vùng này từ ngày có điện như thay da đổi thịt, điện về không chỉ thắp sáng sinh hoạt mà còn góp phần phát triển nhiều ngành nghề giúp bà con thoát nghèo và có thể làm giàu ngay trên chính quê hương đầy tiềm năng nhưng chưa được khai thác hết của mình.
Và không chỉ riêng ông Nguyễn Hai ở huyện Diên Khánh mà ông Mai Xuân Hùng – chủ cơ sở chăn nuôi tại huyện Cam Lâm (địa phận giáp ranh huyện Diên Khánh) cũng chia sẻ: Trước đây khi chưa có dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia (Dự án 2081) thì điện rất yếu, do đó việc trồng trọt và chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Đàn heo của gia đình tôi lúc đó chỉ có vài trăm con. Chi phí mua dầu chạy máy nổ để sưởi ấm đàn heo con rất tốn kém. Từ khi có dự án, dòng điện mạnh, ổn định, chi phí tiền điện cũng thấp hơn rất nhiều so với chạy dầu nên đàn heo hiện nay đã tăng lên 2000 con, việc trồng trọt gặp nhiều thuận lợi, kinh tế gia đình phát triển hơn.

Dự án cấp điện 2081 đã giúp kinh tế gia đình ông Mai Xuân Hùng – Cam Lâm – Khánh Hòa phát triển hơn nhờ gia tăng số lượng đàn heo hơn 2000 con
Cụ Hai, ông Hùng chỉ là hai trong số hơn 7.000 hộ dân trên địa bàn các huyện Diên Khánh, Cam Lâm, huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa được hưởng lợi từ 2 dự án lớn: Dự án cải tạo lưới điện phân phối Ninh Hòa (Dự án DEP) và dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia (Dự án 2081) do Tổng công ty Điện lực miền Trung hỗ trợ đầu tư với hơn 267 tỷ đồng để duy trì các tiêu chuẩn về tiêu chí điện nông thôn giai đoạn 2010-2020 nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Công trình cải tạo lưới điện phân phối thị xã Ninh Hòa thuộc dự án phân phối hiệu quả (DEP) vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) do EVNCPC làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai trên 25 xã, phường của thị xã Ninh Hòa, khởi công từ tháng 11/2014 và hoàn thành vào tháng 4/2016 với tổng mức kinh phí đầu tư là 121,443 tỷ đồng. Dự án đã đầu tư hơn 81 kilomet đường dây trung áp; 171 kilomet đường dây hạ áp 0.4kV; xây dựng 104 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 13.762 kVA. Ngoài ra, Dự án còn bổ sung 14.500mét dây chống sét, tủ cầu dao, tủ xuất tuyến, các thiết bị đóng cắt bảo vệ đường dây 22kV đang vận hành.
Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2015-2020 (gọi tắt là Dự án 2081) được phê duyệt theo Quyết định số 11821/QĐ-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Bộ Công Thương do Tổng công ty Điện lực miền Trung làm chủ đầu tư. Tổng kinh phí đầu tư là 146.3 tỷ đồng, trong đó sử dụng 85% nguồn vốn ngân sách Trung ương và 15% còn lại do EVNCPC thu xếp.

Ông Bruno Angelet - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam trao đổi với ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương về kết quả dự án 2081 tại Cam Lâm- Khánh Hòa
Dự án thực hiện xây dựng mới lưới điện trung, hạ áp; cấp điện cho 190 thôn, bản trên địa bàn 56 xã, thuộc 5 huyện của tỉnh Khánh Hòa;với quy mô 49 trạm biến áp với tổng công suất 5.867kVA; 22 kilomet đường dây trung áp; 175km đường dây hạ áp; phần công tơ và nhánh rẽ cấp điện cho khoảng 7.140 hộ dân. Công trình có thời gian triển khai là 5 năm (2015 - 2020) chia làm 3 giai đoạn thực hiện: giai đoạn 1 tại huyện Cam Lâm, giai đoạn 2 tại huyện Diên Khánh và giai đoạn 3 tại huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa.
Hệ thống lưới điện được cải tạo, nâng cấp mở rộng hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh Khánh Hòakhông chỉ giúp cuộc sống bà con các vùng nông thôn thêm khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần ngày càng được nâng cao, kinh tế - xã hội phát triển lên hàng ngày mà còn góp phần giúp địa phương hoàn thành đạt các tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.Hiện, Khánh Hòa đã có tổng cộng 97 xã đạt tiêu chí số 4 về điện (tiêu chí nông thôn mới) cũng như đảm bảo cấp điện hầu hết cho các hộ dân.
Theo ông Nguyễn Trí Tuân – Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, Khánh Hòacho biết: “Tại huyện Cam Lâm có khoảng hơn 6.000 hộ dân của 22 thôn, tổ dân phố thuộc 13 xã, thị trấn đã được thụ hưởng lợi ích từ dự án 2081. Dự án hoàn thành, lưới điện đi đến đâu thì hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đến đó, chất lượng cấp điện tốt hơn, đời sống bà con được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt là các cơ sở sản xuất kinh doanh của người dân gặp nhiều thuận lợi, nguồn điện được cung cấp đến tận các cơ sở sản xuất, dẫn đến giá thành sản phẩm ổn định”.
Các dự án cải tạo, mở rộng lưới điện đã góp phần đảm bảo điện áp ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho mục đích sinh hoạt, sản xuất kinh doanh người dân, giải quyết được tình trạng lưới điện mất an toàn trên địa bàn toàn tỉnh. Theo bà con, các dự án đã giúp người dân khu vực cảm thấy yên tâm hơn, an toàn hơn nhất là trong mùa mưa bão. Bởi trước khi dự án được triển khai, đa số các hộ gia đình thường dùng cọc tre, trụ gỗ xiêu vẹo, những vật dụng tạm bợ để tự kéo đường dây điện sau công tơ (đường dây từ trụ điện về đến nhà). Điều này khiến hệ thống đường dây điện thôn, xã giăng mắc khắp nơi gây mất an toàn và nguy hiểm. Nếu hệ thống lưới điện không được cải tạo, nâng cấp kịp thời thì nguy cơ tai nạn điện xảy ra khá cao.
Các dự án điện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành sứ mệnh. Bắt đầu từ đây, các vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo của tỉnh Khánh Hòa sẽ dần thay da đổi thịt nhờ vào nguồn điện do EVNCPC triển khai, đời sống của bà còn nhân dân từng bước được nâng cao, kinh tế - xã hội của các vùng nông thôn sẽ ngày càng phát triển, góp phần hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới của Chính phủ đề ra. Và lời khẳng định chắc nịch của cụ Hai như vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa của nó: Có điện, bà con có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình mà không cần phải vất vả lập nghiệp nơi xa …
Hồng Tú