Mùa biển động, mới hơn 4 giờ chiều, bầu trời xam xám của miền Nam Trung Bộ dường như hạ nhanh hơn xuống mặt biển, anh thợ điện Võ Kim Ban – công nhân trực điện xã đảo Bích Đầm, thành phố Nha Trang vội lót dạ gói mì tôm để kịp chạy máy dầu diezen phát điện, phục vụ thắp sáng cho bà con trên đảo. Công việc trực máy phát, sửa chữa sự cố mất điện trong mùa mưa bão là “chuyện thường ngày” của những người thợ điện đảo xa ngày dông gió…
Bích Đầm là một xã đảo xa nhất của thành phố Nha Trang thuộc cụm đảo Hòn Tre. Làng chài có khoảng 174 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Những năm trước, vùng đất này còn hoang sơ, nhà cửa không được khang trang như bây giờ, cả đảo không có máy phát điện, ban đêm chỉ có ánh đèn dầu leo lét, nhà nào sang hơn một chút cũng chỉ có chiếc bóng đèn thắp sáng bằng ắc-quy.
Cuối năm 2008, xóm đảo Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang đón nhận niềm vui khi trên đảo đã có điện thắp sáng do UBND tỉnh Khánh Hòa đầu tư xây dựng. Kể từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên đáng kể. Nhất là, điện đã giúp bà con nắm bắt thông tin trong và ngoài nước qua màn hình tivi và dùng để xạc đèn phục vụ đánh bắt cá vào ban đêm.
Từ tháng 11/2009 đến nay, PC Khánh Hòa đã tiếp nhận quản lý vận hành cụm máy phát điện diezel công suất 165 kVA, cấp điện 4 giờ/ngày phục vụ người dân trên đảo vào buổi tối. Là người dân xã đảo, ai cũng biết chỉ vài giờ cấp điện mỗi ngày nhưng đó là sự nỗ lực rất lớn của PC Khánh Hòa. Tùy theo thời tiết mùa nắng hay mùa mưa, máy phát điện bắt đầu hoạt động từ 17 giờ hay 18 giờ hàng ngày. Và những người thợ điện đến với đảo không chỉ vì nhiệm vụ được giao mà còn bởi tình yêu nghề, yêu đảo và yêu những người dân thân thiện, cởi mở nơi đây.

Anh Võ Kim Ban đang thao tác đóng cắt tại tủ điện máy phát tại Trạm phát điện Vũng Ngán
Hàng ngày, theo con đò nhỏ, vượt qua sóng biển, không kể nắng mưa, giông bão, anh em công nhân trực đảo vẫn đều đặn có mặt trên đảo đúng giờ. Khổ nhất là vào những đợt gió bấc của mùa dông bão; máy phát điện hay bị hư hỏng, anh em phải nỗ lực khắc phục sự số máy để kịp sớm có điện phục vụ bà con.

Do đặc thù địa lý nên hệ thống điện và thiết bị điện thường xuyên bị hư hỏng vì dễ bị nhiễm mặn. Do đó, anh em Tổ vận hành đảo luân phiên nhau sửa điện, khắc phục sự cố lưới để các hộ gia đình có điện sinh hoạt nhất là vào buổi tối mùa mưa. Sửa điện ở đảo cũng có đặc thù riêng theo cách gọi của các anh là “sửa điện nguội” vốn cần nhiều kinh nghiệm lâu năm trong nghề điện ở đảo mới xác định được lý do và đặc biệt phải chú ý đến các mối nối, điểm tiếp xúc của dây điện và các thiết bị điện.

Không chỉ biết về một công việc chuyên môn nhất định, thợ điện trên đảo còn biết nhiều nghề khác nhau. Ngoài nhiệm vụ vận hành máy phát điện từ 17 giờ đến 21 giờ hay từ 18 giờ đến 22 giờ hằng ngày tùy theo thời tiết mùa nắng hay mưa; tổ trực còn đảm nhận nhiều công tác khác cũng quan trọng không kém như: vệ sinh máy, kiểm tra lưới điện, lắp đặt công tơ mới, thay thế công tơ đứng cháy hỏng, sữa chữa điện, khắc phục sự cố điện, tuyên truyền tiết kiệm điện và thu tiền điện…
Được biết, qua hơn 10 năm hoạt động, công tác quản lý, vận hành hệ thống lưới điện trên đảo vẫn được đảm bảo thông suốt. Hiện tại, xã Bích Đầm có 168/168 khách hàng được PC Khánh Hòa hỗ trợ lắp đặt công tơ điện tử đọc chỉ số từ xa RF- Spider, với sản lượng điện tiêu thụ trung bình hàng tháng khoảng 6.000 kWh. Và dù ngày nắng hay ngày mưa, dù thời tiết đẹp hay vần vũ bão giông thì những người thợ điện vẫn đang cần mẫn với những “chuyện thường ngày” để đáp ứng nhu cầu về điện cho sinh hoạt và sản xuất của những người dân trên đảo.
Hồng Tú