Ngày 09/01/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024. Sau đây là những điểm mới tác động đến người bệnh tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.

1. Thêm đối tượng được ưu tiên khám, chữa bệnh
Khoản 2 Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định về nguyên tắc trong khám, chữa bệnh có nêu các đối tượng ưu tiên khám, chữa bệnh gồm:
- Người bệnh trong tình trạng cấp cứu.
- Trẻ em dưới 06 tuổi.
- Phụ nữ có thai.
- Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng.
- Người từ đủ 75 tuổi trở lên.
- Người có công với cách mạng.
Lưu ý: Các đối tượng này phải phù hợp với đặc thù của cơ sở khám, chữa bệnh.
So với quy định cũ tại khoản 2 Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Luật mới đã bổ sung thêm đối tượng được ưu tiên khám, chữa bệnh: Người khuyết tật đặc biệt nặng. Đồng thời, sửa điều kiện về tuổi của người bệnh (từ đủ 80 tuổi xuống còn đủ 75 tuổi).
Đồng thời, Luật mới cũng quy định ưu tiên ngân sách Nhà nước khám, chữa bệnh cho:
- Người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật.
- Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đang sống ở biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
- Người bị các bệnh: Tâm thần, phong, truyền nhiễm nhóm A, nhóm B.
2. Thêm nhiều quyền cho người bệnh
Một trong những điểm mới tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 là quyền lợi của người bệnh càng được bổ sung, hoàn thiện hơn. Trong đó, Luật mới đã bổ sung, sửa đổi theo hướng hoàn thiện, đầy đủ hơn một số quyền mà Luật cũ chưa quy định:
- Được hướng dẫn cách tự chăm sóc, theo dõi, phòng ngừa tai biến.
- Được tôn trọng về tôn giáo, tình trạng sức khoẻ, điều kiện kinh tế (quy định cũ đang để không bị phân biệt giàu nghèo).
- Được giữ bí mật thông tin trong hồ sơ bệnh án và thông tin khác về đời tư đã cung cấp trong quá trình khám, chữa bệnh (quy định cũ chỉ nói về thông tin tình trạng sức khoẻ, đời tư ghi trong hồ sơ bệnh án).
- Không bị ngược đãi, lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục trong quá trình khám chữa bệnh.
- Được đọc, xem, sao chụp, ghi chép hồ sơ bệnh án.
- Được kiến nghị về các tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc… trong quá trình khám chữa bệnh.
- Được bồi thường khi có tai biến y khoa trừ trường hợp y, bác sĩ không có sai sót chuyên môn kỹ thuật được Hội đồng chuyên môn xác định.
- Khi nhận thuốc kê đơn, người bệnh sẽ nhận được đơn thuốc không có thực phẩm chức năng.
3. Bổ sung quy định về thân nhân người bệnh
So với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Luật mới 2023 đã bổ sung quy định về thân nhân của người bệnh gồm:
- Vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể của người bệnh hoặc thành viên khác trong gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình;
- Người đại diện của người bệnh;
- Người trực tiếp chăm sóc cho người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không phải là người hành nghề.
Đồng thời, các trường hợp về người bệnh không có thân nhân cũng được Luật mới 2023 quy định chi tiết, cụ thể hơn so với Luật cũ, gồm:
- Người bệnh đang cấp cứu không có giấy tờ tuỳ thân, không có thân nhân đi cùng, không có thông tin liên lạc với thân nhân (quy định cũ chỉ quy định là người bệnh đang cấp cứu).
- Người bệnh đã/chưa xác định được danh tính, không thể/khó khăn nhận thức, làm chủ hành vi tại thời điểm vào viện, không có giấy tờ, không có thân nhân đi cùng, không có thông tin liên lạc của thân nhân (quy định cũ đang nêu là người bị bệnh tâm thần).
- Trẻ em dưới 06 tháng tuổi bị bỏ rơi tại cơ sở khám chữa bệnh (quy định cũ là trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại cơ sở khám chữa bệnh).
Đặc biệt, Luật mới đã bỏ quy định về việc không xác định được địa chỉ cư trú mà thay vào đó là không có thông tin để liên lạc với thân nhân.
4. Người bệnh sẽ được khám chữa bệnh lưu động, từ xa
Đây là một trong những điểm mới tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Theo đó, khám chữa bệnh từ xa là hình thức khám, chữa bệnh mà bác sĩ không trực tiếp tiếp xúc với người bệnh và việc khám chữa bệnh được thực hiện thông qua thiết bị, công nghệ thông tin như điện thoại, ti vi, mạng internet…
Đồng thời, bổ sung thêm hình thức khám, chữa bệnh lưu động. Và các trường hợp khám, chữa bệnh lưu động gồm:
- Do cơ sở khám chữa bệnh cung cấp ngoài địa điểm ghi trong giấy phép hoạt động: Cơ sở khám chữa bệnh phải có đủ người, thiết bị y tế, cơ sở vật chất… trừ việc khám chữa bệnh tại nhà do nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ tại thôn, bản thực hiện.
- Khám, chữa bệnh tại nhà, khám sức khoẻ tại cơ quan, tổ chức: Cơ sở khám chữa bệnh phải có đủ người, thiết bị y tế, cơ sở vật chất… trừ việc khám chữa bệnh tại nhà do nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ tại thôn, bản thực hiện.
- Khám, chữa bệnh nhân đạo.
Đặc biệt, để thực hiện khám, chữa bệnh lưu động phải được cơ quan chuyên môn y tế thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đồng ý trừ cơ sở khám chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân khám, chữa bệnh cho đối tượng thuộc quyền quản lý của mình.
5. Thêm điều kiện bệnh nhân được chuyển khoa, chuyển viện
Quy định về chuyển khoa, chuyển viện tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 cũng có một số điều chỉnh so với Luật cũ. Cụ thể:
Trường hợp
|
Quy định cũ
|
Quy định mới
|
Chuyển khoa
|
- Người bệnh mắc phải bệnh không thuộc phạm vi chuyên môn của khoa đang điều trị.
- Bệnh đang được khám, chữa liên quan chủ yếu đến chuyên khoa khác.
- Chuyển toàn bộ hồ sơ bệnh án đến khoa mới.
|
- Phát hiện tình trạng bệnh của người bệnh thích hợp khám, chữa bệnh tại chuyên khoa khác hơn.
- Khoa chuyển người bệnh đi hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án, chuyển người bệnh và hồ sơ bệnh án đến khoa mới.
|
Chuyển viện
|
- Trường hợp:
Bệnh vượt quá khả năng điều trị, điều kiện vật chất của cơ sở khám chữa bệnh.
Không phù hợp với phân tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Theo yêu cầu của người bệnh.
- Thủ tục:
Hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án, tổng kết toàn bộ quá trình điều trị.
Gửi giấy chuyển viện kèm tóm tắt bệnh án đến viện mới.
|
- Hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án, giới thiệu người bệnh đến viện mới.
- Theo yêu cầu của người bệnh/người đại diện của người bệnh: Người bệnh/người đại diện người bệnh cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc chuyển viện.
|
6. Thêm trường hợp người bệnh bắt buộc phải chữa bệnh
Người bệnh có quyền không bị ép khám, chữa bệnh trừ trường hợp bắt buộc phải chữa bệnh nêu tại khoản 1 Điều 82 Luật Khám, chữa bệnh năm 2023.
Đồng thời, cũng được từ chối khám, chữa bệnh nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằn văn bản về việc từ chối của mình sau khi đã được bác sĩ tư vấn trừ trường hợp bắt buộc chữa bệnh.
Theo đó, các trường hợp bắt buộc chữa bệnh gồm:
- Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A.
- Người mắc bệnh trầm cảm có ý muốn, hành vi tự sát; mắc tâm thần ở trạng thái kích động, có khả năng gây nguy hại cho bản thân hoặc người khác hoặc phá hoại tài sản (quy định mới này đã bổ sung “hành vi gây nguy hại cho bản thân, phá hoại tài sản so với Luật cũ).
- Trường hợp khác (bổ sung mới so với quy định cũ).
7. Nhiều quy định mới về khám sức khoẻ
Hiện các quy định liên quan đến khám sức khoẻ đang được Bộ Y tế hướng dẫn tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT. Trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 không có đề cập đến nội dung này. Và đây chính là một trong nhưng điểm mới tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đáng chú ý nhất.
Theo đó, Bộ Y tế đã bổ sung Điều 83 về khám sức khoẻ, gồm các hình thức: Khám sức khoẻ định kì; để phân loại sức khoẻ đi học, đi làm; cho học sinh, sinh viên; theo yêu cầu của công việc đặc thù; theo yêu cầu; để phát hiện bệnh hoặc hình thức khác.
8. Bổ sung khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền
Quy định cũ có đề cập đến khám bệnh bằng y học cổ truyền khi kết hợp với y học hiện đại trong quá trình khám, chữa bệnh.
Trong khi đó, quy định mới đã bổ sung một Chương VI về việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.
Mặc dù không quy định chi tiết mà sẽ được Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn tại một văn bản khác nhưng Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã tạo quy định pháp lý cụ thể về y học cổ truyền.
Hà Nhi – KHPC (tổng hợp)